Chia sẻ tại phiên thảo luận “Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số” trong khuôn khổ diễn đàn “Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số” mới đây, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, trên môi trường số, do các đối tượng dùng công nghệ để xâm phạm bản quyền, chúng ta cần có công cụ công nghệ hỗ trợ để ngăn chặn vi phạm bản quyền.

Về yếu tố pháp lý, hiện nay với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ, 1 cá nhân, tổ chức có thể cho ra đời hàng chục, thậm chí hàng trăm nội dung số mỗi tháng. Thực tế này dẫn đến việc phải làm thế nào để chứng minh nội dung của mình không vi phạm của người khác, hay rà quét ra sao để xem có ai vi phạm. “Đây là thách thức không chỉ cho các chủ sở hữu nội dung, mà còn của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền lẫn các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian”, ông Hoàng Đình Chung nhận xét.

Các chuyên gia trao đổi tại phiên thảo luận “Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số”.

Một khó khăn nữa, theo đại diện Trung tâm Bản quyền số, là việc chứng minh hành vi và xử lý vi phạm. Bởi lẽ, pháp luật hiện nay chưa công nhận bằng chứng điện tử, trong khi việc lập vi bằng là biện pháp được công nhận lại gây tốn kém cả thời gian và tiền bạc, là cản trở lớn tới việc tự bảo vệ nội dung của các chủ sở hữu khi biết nội dung của mình bị xâm phạm. Điều này còn khiến các cơ quan chức năng khó đưa ra quyết định và hỗ trợ cho chủ sở hữu.

Để tăng cường công tác bảo vệ bản quyền số, ông Hoàng Đình Chung khuyến nghị, chủ sở hữu phải xem việc bảo vệ bản quyền số giống như bảo vệ tài sản vật lý hàng ngày. Cụ thể, họ cần phải trang bị đủ công cụ, kiến thức để bảo vệ tài sản của mình.

“Đó không chỉ là công cụ về công nghệ hỗ trợ, mà chủ sở hữu nội dung còn cần tự trang bị kiến thức pháp lý nhằm tự bảo vệ mình hoặc tìm đến những đơn vị chuyên sâu uy tín về bảo vệ bản quyền số để được hỗ trợ ngay từ lúc có ý tưởng sáng tạo. Tránh rơi vào trường hợp mà dân gian gọi là “mất bò mới lo làm chuồng”. Trục bản quyền số quốc gia là 1 địa chỉ mà chủ sở hữu nội dung có thể tham gia để được hỗ trợ”, ông Hoàng Đình Chung thông tin thêm.

Theo các chuyên gia, bản quyền số là chuyện tất cả đơn vị sáng tạo nội dung đều cần quan tâm khi tham gia môi trường số. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ quan điểm của 1 đơn vị đã có hơn 9 năm hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, ông Tạ Mạnh Hoàng, Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam nhận định, một trong những khó khăn của doanh nghiệp Việt là sức cạnh tranh yếu, dễ bị tổn thương khi gia nhập thị trường quốc tế. Việt Nam không những bị gán nhãn là nước có vi phạm bản quyền phổ biến mà nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số cũng chưa cao, dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền.

Bảo vệ bản quyền số cũng như hiểu biết về các quyền sở hữu trí tuệ là những bài toán đặt ra cho mỗi doanh nghiệp nội dung số. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững trên môi trường số cần phải nắm vững các vấn đề này”, ông Tạ Mạnh Hoàng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC cho hay, bản quyền số là câu chuyện tất cả các đơn vị sáng tạo nội dung khi tham gia vào môi trường số đều phải xem xét một cách rất cẩn thận và có sự chuẩn bị kỹ cho vấn đề này.

Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, bàn về vấn đề bảo vệ bảo quyền số, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT), ông Nguyễn Thiện Nghĩa đề nghị các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam tham khảo cách làm của Hàn Quốc, một trong những quốc gia đi đầu về công nghiệp nội dung số. Cụ thể, ở Hàn Quốc 1 hệ thống đánh mã sản phẩm nội dung số tự động đã được xây dựng, và khi tác giả tải 1 sản phẩm lên, hệ thống sẽ phân tích nội dung và cấp cho sản phẩm 1 mã đánh dấu, giúp bảo vệ bản quyền cho chủ sở hữu nội dung.